Nội dung chính
THỦ TỤC HẢI QUAN – CHIA SẺ KINH NGHIỆM THỰC TẾ
Khi làm thủ tục hải quan (tiếng Anh là Customs Clearance), mỗi người có thể sẽ có một cảm nhận khác nhau.
Những người quen với việc thông quan hàng hóa, một ngày làm có thể tới hơn chục bộ tờ khai, thì công việc này có lẽ cũng đơn giản, bình thường.
Với những người chưa bao giờ hoặc mới làm những lô hàng đầu tiên, cảm giác lo lắng là không thể tránh khỏi; nào là: hồ sơ đúng không, lên tờ khai thế nào, làm việc với hải quan ra sao…
Vì thế tôi viết bài này để chia sẻ thông tin, có lẽ vẫn còn khá xa mới đến mức độ hướng dẫn, hay chỉ dạy. Chỉ hy vọng rằng những gì tôi đã trải qua và viết ra đây ít nhiều hữu ích cho bạn đọc.
Thủ tục hải quan là gì?
Đó là những thủ tục cần thiết để hàng hóa, phương tiện vận tải được nhập khẩu/nhập cảnh vào một quốc gia hoặc xuất khẩu/xuất cảnh ra khỏi biên giới một quốc gia.
- Ví dụ 1: Muốn đưa 100 tấn thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản bằng đường biển (hàng sea) về Việt Nam tiêu thụ. Trường hợp này là nhập khẩu hàng hóa.
- Ví dụ 2: Công ty dệt may Việt Nam muốn chuyển lô hàng xuất khẩu đi Mỹ bằng đường hàng không (hàng Air). Trường hợp này là xuất khẩu hàng hóa.
- Ví dụ 3: Công ty A khai thác tàu biển hàng rời, khi tàu từ nước ngoài về tới cảng Hải Phòng dỡ hàng, công ty A phải làm thủ tục với cơ quan hải quan để con tàu được nhập cảnh. Trường hợp này là nhập cảnh với phương tiện vận tải. (Bài viết này không tập trung vào thủ tục hải quan với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh).
Mục đích của việc làm thủ tục thông quan
Thông quan hàng hóa là yêu cầu bắt buộc. Kỳ thực, thủ tục này nhằm giải quyết hai mục đích cơ bản như sau:
- Để Nhà nước tính và thu thuế.
- Để quản lý hàng hóa, đảm bảo hàng hóa ra/vào lãnh thổ Việt Nam không thuộc danh mục cấm.
Bạn muốn tìm những thông tin văn bản chính thống, thì những website dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn:
Các bước làm thủ tục hải quan
Công việc phải làm của chủ hàng và công chức hải quan là khác nhau. Thủ tục cũng ít nhiều khác nhau cho các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, phi mậu dịch, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu v.v…)
Trong điều kiện của bài viết này, để đơn giản, tôi chỉ tập trung vào công việc của người khai hải quan cho loại hình nhập kinh doanh cho hàng hóa đi bằng đường biển.
Khi làm thủ tục hải quan, người khai tờ khai thực hiện những bước cơ bản sau:
1. Khai và nộp tờ khai hải quan
Tờ khai hải quan được lập theo mẫu quy định.
Từ tháng 4/2014, cơ quan hải quan đã bắt đầu triển khai áp dụng hệ thống VNACCS mới, và mẫu tờ khai cũng có thay đổi nhiều.
2. Lấy kết quả phân luồng
Sau khi có kết quả phân luồng từ hệ thống, bạn làm bước tiếp theo:
Luồng xanh (Màu xanh may mắn)
Về lý thuyết, bạn chỉ cần xuống cảng lấy hàng sau khi nộp thuế (nếu có)
Tuy nhiên, trên thực tế ở các chi cục ở Hải Phòng, người khai vẫn phải xuống hải quan để kiểm tra xem thuế đã nổi trong tài khoản kho bạc của hải quan hay chưa. Đồng thời cán bộ hải quan cũng check lướt qua xem tờ khai có vấn đề gì hay không. Do đó, bạn vẫn nên đem theo bộ chứng từ hàng hóa, để giải trình khi cần. Vậy mới chắc ăn!
Luồng vàng
Bạn phải xuất trình bộ hồ sơ giấy, gồm những chứng từ như:
- Tờ khai hải quan (in từ phần mềm, không cần đóng dấu)
- Hóa đơn thương mại (GĐ doanh nghiệp ký, đóng dấu tròn + chức danh)
- Chứng từ khác: Vận đơn, C/O, giấy kiểm tra chất lượng (kiểm tra chuyên ngành)…
Theo thông tư 38, thì hồ sơ hải quan đã đơn giản hơn, không cần Hợp đồng ngoại thương và Chi tiết đóng gói, tuy nhiên bạn nên chuẩn bị bản photo sẵn sàng để tham khảo tra cứu số liệu khi cần.
Luồng đỏ
Phải kiểm tra thực tế hàng hóa sau khi kiểm tra xong hồ sơ giấy. Đây là mức độ kiểm tra cao nhất, phải làm nhiều thủ tục và tốn kém chi phí, thời gian, công sức nhất cho cả chủ hàng và cán bộ hải quan.
Trước hết, bạn vẫn phải có bộ hồ sơ như luồng vàng trên đây. Sau khi hải quan tiếp nhận duyệt hồ sơ, sẽ chuyển sang cho đội kiểm hóa. Bạn đăng kí kiểm hóa, xuống cảng làm thủ tục hạ hàng đưa vào khu kiểm hóa, rồi liên hệ với cán bộ hải quan xuống làm thủ tục kiểm tra.
Hiện có 2 hình thức kiểm hóa: kiểm bằng máy soi & kiểm thủ công .
Sau khi kiểm tra xong, cán bộ hải quan sẽ về Chi cục làm các thủ tục cần thiết: biên bản kiểm hóa. Nếu ok, sẽ làm thủ tục quyết & bóc tờ khai là xong phần ở chi cục. Bạn in mã vạch tờ khai hải quan, và đến cảng làm nốt thủ tục đổi lệnh & ký hải quan giám sát là xong.
Thêm một chi tiết hữu ích, trong quá trình làm thủ tục, bạn có thể vào website của Tổng cục hải quan để cập nhật tình trạng một số bước công việc:
- Tra cứu nộp thuế, nợ thuế hải quan: sau khi nộp thuế xong, tra cứu nếu thấy tình trạng là “Hết nợ”, nghĩa là tiền thuế đã vào tài khoản của hải quan. Nếu chưa thì phải đợi, và nên kiểm tra lại khâu nộp thuế, nếu cần.
- Tra cứu tờ khai hải quan: tra cứu xem tình trang của tờ khai thế nào: đã thông quan hay chưa, ngày giờ thông quan…
- In mã vạch tờ khai hải quan: nếu có mã vạch là đã thông quan.
3. Nộp thuế
Người khai nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Với hàng nhập khẩu theo loại hình kinh doanh hiện nay, thì đa số thuộc diện phải nộp thuế ngay. Khi nào có thuế nổi trong hệ thống, hải quan mới duyệt thông quan cho lô hàng,.
Thông quan hàng hóa là việc hoàn tất thủ tục hải quan với hàng xuất nhập khẩu.
Sau những bước đã nêu phía trên và hàng được hải quan chấp nhận thông quan, bạn đã xong trách nhiệm. Khi đó, với hàng nhập khẩu, chủ hàng được quyền phân phối, mua bán, sử dụng…; còn với hàng xuất khẩu, hàng đã đủ điều kiện đưa ra khỏi Việt Nam (hoặc đưa vào Khu phi thuế quan).
Thủ tục, hồ sơ hải quan có vẻ hơi rắc rối, nếu bạn chưa quen. Nhưng tốt nhất là bạn nên làm theo qui định, và chuẩn bị bộ chứng từ đầy đủ, hợp lệ. Như vậy, thời gian làm thủ tục sẽ nhanh hơn, và cán bộ hải quan sẽ bớt chất vấn.
Nếu bạn mới tinh và muốn tìm xem học nghiệp vụ khai báo hải quan ở đâu, thì liên hệ với tôi. Chúng tôi có cơ sở đào tạo tại Hải Phòng – Hà Nội – Đà Nẵng – Hồ Chí Minh.