Đèo cả miền Trung Việt Nam

0
3484

ĐÈO CẢ

Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam, là con đèo nguy hiểm nhất trong khu vực, là nỗi ngán ngại của bất cứ tài xế nào. Trong tương lai gần, cảm giác “đi mây về gió” sẽ không còn khi đường hầm xuyên qua lòng núi hoàn tất.

Đèo cao 333m, dài 12 km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh), trên Quốc lộ 1A.
Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, do địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm Tân Tỵ 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã phải tạo ra một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây.
Vào những năm 1771-1802, nhiều cuộc giao chiến giữa phe Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.
Tên “Đèo Cả” có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Hiện đang có kế hoạch xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả để việc đi lại trên quốc lộ 1A không còn phải vượt qua đường đèo hiểm trở này.
Nơi đây, trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hòa do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chánh địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bót tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thủy đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên.
Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặc biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

Tai nạn giao thông luôn rình rập trên đèo Cả và khi tai nạn xảy ra, hầu như không ai có khả năng sống sót. Đấy là chưa kể vào mùa mưa, đất đá từ trên núi sạt lở đổ ập xuống đường. Vì vậy nên hành khách khi ngồi xe qua Đèo Cả dù đêm đã khuya hay mỏi mệt đến mấy, không ai dám ngủ cả, họ phải cố tỉnh táo để nếu có chuyện còn xoay xở được. Còn đối với những người có máu phiêu lưu, qua đây cũng thấy … run khi đèo liên tục uốn lượn như con trăn khổng lồ đang trườn mình trên các vách núi với một bên là vách núi đá dựng đứng và một bên là vực thẳm sâu. Ai đả từng nhiều lần qua lại con đèo này đều không quên cảm giác nhắm mắt, ôm chặt thành ghế như chuẩn bị cho một cuộc nhào lộn không có điểm dừng.
Còn cánh tài xế khi qua đèo là phải tập trung tối đa. Địa hình cao, liên tục cua gấp và khuất tầm nhìn nên không chỉ lo cho xe mình mà còn trông cả xe chạy ngược chiều. Mình chạy đúng tốc độ, đúng làn đường chưa hẳn đã an toàn. Qua cua mà xe ngược chiều phóng lên, vượt tuyến là dính ngay.
Nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Cả dài hơn 12 km, từng được CSGT chấm có hàng chục “điểm đen tai nạn”. Thế nhưng, bây giờ không ai còn gọi điểm đen nữa, không phải vì bớt nguy hiểm mà bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Đa số tài xế chạy xe đường dài cho biết nhiều đoạn trên đèo Cả được thiết kế không phù hợp. Ở những đoạn cua gấp, độ nghiêng của mặt đường thấp nên nếu xe chạy nhanh rất dễ bị lật. Trong đó, 2 cua nguy hiểm nhất là Hoàng Long và Đá Đen đều đã gắn biển báo giảm tốc độ dưới 20 km/giờ nhưng nhiều tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, gây tai nạn (ở cua Hoàng Long, trước đây độ nghiêng mặt đường thấp, trong khi cả 2 mái núi đổ dồn xuống điểm cua này nên xe dễ bị lật). Lực lượng chức năng đã lắp hệ thống kính lồi để tài xế có thể quan sát được xe chạy ngược chiều nhưng các kính này bây giờ đả chẳng còn nhìn thấy nữa (các kính lồi do ngành giao thông lắp ở đèo Cả gần 10 năm qua đã xuống cấp, lớp thủy kính bị bong tróc nên khó nhìn thấy xe chạy ngược chiều. Tuy nhiên, việc lắp kính lồi ở đây là “con dao 2 lưỡi”. Nhiều tài xế liếc nhìn kính lồi không thấy xe ngược chiều, đạp ga, lấn tuyến vọt lên rất dễ gây tai nạn. Vì bán kính nhìn thấy được trong kính lồi không lớn, gặp xe ngược chiều đang đổ đèo, chạy nhanh là không phát hiện được).

HẦM ĐÈO CẢ
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả trên tuyến QL1A qua tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, dài 13,4 km. Điểm khởi đầu tại Km 1353+500 – QL1A thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Điểm cuối tại Km 1374+525 thuộc thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, chiều dài hầm đèo Cả là 3.9 km, gồm hai tuyến riêng biệt (chiều đi và về), mỗi tuyến rộng 8,5 mét. Chiều dài hầm đèo Cổ Mã 500m. Đường dẫn và cầu trên tuyến 9 km. Đã được khởi công vào ngày 18-11-2012 và dự kiến hoàn thành trong quý II/2014 với tổng mức dự toán trên 15.600 tỉ đồng. Do thiếu vốn, dự án triển khai chậm so với kế hoạch.
Tại cuộc họp thúc đẩy tiến độ dự án vào tháng 9-2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá dự án chậm 13 tháng so với hợp đồng đã ký kết nên yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư) phải bảo đảm tiến độ để hoàn thành đúng quý II/2016. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho biết dự án chỉ có thể hoàn thành vào đầu năm 2017. Thời gian khai thác để hoàn vốn là 28 năm (2016-2044).
Dự án do hai ngân hàng Pháp Credit Agricole Corporate & Investment Bank và Societe Generale tài trợ, tổng mức đầu tư 874 triệu đô la Mỹ (trong đó, BOT 529 triệu đô la Mỹ và BT 345 triệu đô la). Công trình do Công ty CP đầu tư Đèo Cả (DEOCA) làm chủ đầu tư ; tham gia tư vấn kỹ thuật có Tập đoàn VINCI (Pháp), chuyên thực hiện các dự án xây dựng lớn, trong đó có đường hầm xuyên biển Manche, nối Anh với Pháp và lục địa Âu châu.
Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước”. Cụ thể, khu tái định cư phía Phú Yên sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 120 tỉ đồng trên 8,5 ha, phục vụ cho 156 hộ dân bị ảnh hưởng. Ở Khánh Hòa, sẽ Quy hoạch xây dựng Khu tái định cư số 2 tại xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh.

Theo Bộ GTVT, tuyến giao thông huyết mạch QL1A qua đèo Cả có địa hình núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, nhất là các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở. Vì vậy việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác của QL1A.
Theo tính toán, khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp các phương tiện qua lại trên QL1A đoạn qua đèo Cả sẽ rút ngắn một nửa quãng đường đi, thời gian qua đèo chỉ bằng 1/4 trước đây, giảm thiểu các chi phí hao mòn hư hỏng. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần 10 triệu USD. Dự án hầm đường bộ đèo Cả còn đóng vai trò đảm bảo giao thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía nam ; kết nối 2 khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế nam Phú Yên (Phú Yên) và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).
Đây là bàn đạp thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch không chỉ 2 tỉnh có dự án này mà còn cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Sẽ xóa được điểm đen về ách tắc, mất an toàn giao thông lớn nhất trên QL1A và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội đối với khu vực và cả nước.
(st nhiều nguồn)

BÌNH LUẬN